Sáng nay, tại Phòng tai mũi họng – phòng khám đa khoa Hồng Hoàng phát hiện trường hợp trẻ 6 tuổi ở Đức Thọ bị côn trùng (con vét) chui vào tai gây cảm giác đau rát và khó chịu. Thông qua nội soi tai mũi họng bác sĩ đã gắp được côn trùng ra ngoài, tiến hành vệ sinh tai và nhỏ thuốc cho trẻ.
Qua đó bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng tại Phòng khám đa khoa Hồng Hoàng cũng chia sẽ cách nhận biết và xử lý khi bị côn trùng chui vào tai.
Cách nhận biết:
- Người lớn có thể nhận biết được sự tồn tại của côn trùng dễ dàng hơn thông qua các chuyển động hoặc tiếng vo ve của chúng. Ngoài ra, côn trùng cũng có thể gây ra những hành động như cắn vào tai, khiến bạn đau, ngứa rát và kích ứng, khó chịu.
- Đối với trẻ nhỏ thì lại khác, các bé thường không thể phát hiện được điều này và nói cho bố mẹ được biết. Vì vậy, để nhận biết trẻ bị côn trùng chui vào tai, phụ huynh cần cẩn thận quan sát những hành động, cử chỉ của trẻ như gãi, dụi hay kéo một bên tai.
Cách xử lý khi bị côn trùng chui vào tai:
- Đối với trường hợp nhẹ hoặc côn trùng có kích thước nhỏ. Hãy nằm nghiêng đầu về phía tai có côn trùng, dùng oxy già hoặc nước muối sinh lý ấm nhỏ ngập tai để khiến côn trùng tự chui ra ngoài hoặc chết vì ngạt, rồi khéo léo gắp ra ngoài hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện để bác sĩ gắp côn trùng ra.
- Nếu trường hợp côn trùng có kích thước lớn, các cơn đau dữ dội, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Bác sĩ sẽ lấy côn trùng ra cũng như xử lý những tổn thương do côn trùng gây ra.
Sau khi đã lấy được côn trùng ra ngoài thì nên chú ý vệ sinh tai sạch sẽ, nhỏ thuốc đều đặn để phòng ngừa viêm nhiễm.