1. Nội soi đại tràng là phương pháp đưa một ống mềm có gắn camera với đường kính ống khoảng một ngón tay theo đường hậu môn đi qua trực tràng vào trong đại tràng để kiểm tra trình trạng cụ thể bên trong lòng đại tràng của bệnh nhân.
2. Nội soi đại tràng thường được chỉ định nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau:
+ Người bệnh đi cầu ra máu kèm đau bụng, thường xuyên bị tiêu chảy, đi ngoài táo lỏng thất thường.
+ Bác sĩ nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên hình ảnh chụp X- quang hoặc chụp cắt lớp vi tính đại tràng của người bệnh.
+ Phương pháp nội soi ở bộ phận đại tràng cũng được thực hiện định kì đối với những bệnh nhân có tiền sử bị polyp đại tràng, ung thư đại tràng hoặc trong gia đình có người thân đã từng mắc các căn bệnh kể trên để tầm soát bệnh.
+ Theo nghiên cứu, hầu hết những người trên 50 tuổi đều có polyp đại tràng và những người này cần được đề nghị nội soi ngay cả khi đang khỏe mạnh nhằm mục đích phát hiện và kịp thời cắt bỏ polyp đại tràng trước khi nó tiến triển thành ung thư.
3. Phương pháp nội soi đại tràng được xem là một thủ thuật khá an toàn và gần như không ra tai biến nào nghiêm trọng gây nguy hiểm cho người bệnh. Thế nhưng, trong quá trình tiến hành nội soi, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau do đặc điểm của đại tràng khá dài và có nhiều phần bị gập, xoắn.
4. Chuẩn bị trước khi tiến hành nội soi đại tràng
Nhằm giúp quá trình nội soi cho bệnh nhân viêm đại tràng được diễn ra suôn sẻ và cho kết quả chính xác nhất thì bệnh nhân cần thực hiện một số lưu ý dưới đây:
+ Chỉ nên ăn cháo vào ngày trước khi nội soi, ăn ít chất xơ. Sáng ngày hôm làm thủ thuật nội soi nhịn ăn và uống 3-4 gói Fortrans theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm mục đích loại bỏ hết chất thải ra ngoài, làm sạch đường ruột.
+ Kể cho bác sĩ nắm được tiền sử bệnh tật hoặc dị ứng. Ngoài ra, nếu bệnh nhân đang sử dụng các thuốc Aspirin, Warfarin, Insulin, thuốc sắt thì nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên ngưng sử dụng thuốc trước ngày tiến hành nội soi không.
+ Không nên ăn các loại thực phẩm có màu đỏ trước ngày nội soi để tránh gây ra sự nhầm lẫn với các tổn thương khác trong đại tràng.
+ Trong trường hợp người bệnh không dùng được các loại thuốc trên thì cần tới bệnh viện để các y bác sỹ thực hiện kỹ thuật thụt tháo.
5. Nội soi đại tràng được thực hiện như thế nào?
Đầu tiên, người bệnh sẽ được bác sĩ kiểm tra hậu môn xem có tổn thương nào không và gây tê, cho bệnh nhân dùng thuốc bôi trơn, thuốc giảm đau giúp người bệnh bớt đau trong quá trình thực hiện thủ thuật nội soi. Bác sĩ có thể trò chuyện hỏi thăm bệnh nhân nhằm giúp bệnh nhân bớt lo lắng, căng thẳng trước khi tiến hành nội soi.
Khi thực hiện quy trình nội soi đại tràng, người bệnh sẽ được hướng dẫn nằm nghiêng người qua bên trái. Ống nội soi colonoscope sẽ được từ từ đưa vào hậu môn bệnh nhân rồi luồn qua trực tràng và dừng lại ở đại tràng. Lúc này khí carbon dioxide sẽ được bơm vào đại tràng của người bệnh để bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết và quan sát hết các tổn thương.
Trong quá trình nội soi, cảm giác khó chịu, bị chướng hoặc đau bụng là điều không thể tránh khỏi. Nếu cảm thấy quá đau, bệnh nhân cần giữ bình tĩnh cố gắng nằm im và thông báo với bác sĩ ngay. Người bệnh có thể phải thay đổi tư thế nằm một vài lần và có lúc được điều dưỡng ấn nhẹ vào bụng để ống soi đi vào được dễ dàng hơn và người bệnh bớt đau hơn. Camera được gắn ở đầu ống nội soi nhằm giúp bác sĩ quan sát rõ hình ảnh phía trong lòng đại tràng.
6. Một số lưu ý sau khi nội soi đại tràng
+ Nên nghỉ ngơi, thư giãn cho đến khi hết cảm giác khó chịu ở bụng;
+ Có thể bệnh nhân sẽ gặp phải một số vấn đề như đau âm ỉ ở bụng, chướng bụng, thường xuyên mót rặn nhưng không đi cầu được. Tuy nhiên, những cảm giác này sẽ biến mất và người bệnh sẽ hoàn toàn bình phục vào ngày hôm sau;
+ Bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện thấy các biến chứng nghiêm trọng đau nhiều, sốt, chóng mặt,…