Gãy xương sườn là khi xương sườn bị nứt, gãy lìa kèm di lệch ít hoặc nhiều, có thể do chấn thương hoặc do bệnh lý như u xương, loãng xương, viêm xương tủy xương,... Gãy xương sườn có thể gãy đơn thuần hoặc có thể kèm các chấn thương tiềm tàng phức tạp khác như tổn thương tim, phổi, gan, lách, thận, thần kinh cơ, mạch máu lớn…
Đa số các trường hợp gãy xương sườn đều có thể tự lành sau một đến hai tháng. Tình trạng này không nguy hiểm, nhưng các biến chứng phát sinh có thể gây tổn thương nội tạng.
Tùy thuộc vào mức độ gãy xương sườn được phân thành các dạng khác nhau:
- Gãy xương hoàn toàn và gãy xương không hoàn toàn: diễn tả tình trạng xương bị mất tính liên tục hay chỉ nứt xương.
- Gãy xương kín và gãy xương hở: Gãy xương có tạo ra vết thương hở trên da hay không
- Gãy xương di lệch và gãy xương không di lệch: Các đầu xương gãy lệch hay không lệch nhau
Khi xương sườn bị gãy, khung xương sẽ kém vững chắc, và đặc biệt là cảm giác đau do gãy xương sẽ hạn chế sự di động của khung xương dẫn đến nhiều biến chứng về phổi như xẹp phổi, viêm phổi. Ngoài ra, phần đầu xương hay mảnh xương sườn bị gãy có thể làm thủng hoặc rách các cơ quan nội tạng như phổi, gan, lách hay thậm chí đâm thủng các mạch máu lớn gây hậu quả khôn lường.
Nguyên nhân gãy xương sườn
- Gãy xương sườn xảy ra khi xương sườn chịu một lực tác động đủ mạnh, gây gãy hoặc nứt xương, nó có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
- Gãy xương do áp lực (stress fractures): do xương sườn chịu một lực mạnh lặp đi lặp lại trong thời gian dài, theo thời gian một vị trí có thể bị yếu hơn phần xương còn lại. Loại gãy do vi chấn thương này thường gặp ở những vận động viên luyện tập ở cường độ cao một kỹ thuật nào đó.
- Gãy xương sườn do được thực hiện hồi sức cấp cứu
- Gãy xương do bệnh lý: loãng xương, khối u xương ác tính, loạn sản xơ xương, viêm xương tủy xương… một vài vị trí xương có thể yếu, gãy dù với một lực chấn thương rất nhỏ hoặc tự gãy dù không có chấn thương.
- Ho dữ dội: thường gặp ở người cao tuổi nhất là người bị loãng xương và có bệnh phổi mạn tính.
Dấu hiệu xương sườn bị gãy
Những dấu hiệu gãy xương sườn thường gặp là đau tại vị trí gãy, cơn đau kéo dài, và đau nhiều hơn:
- Khi hít thở sâu, hắt hơi hoặc ho
- Khi cúi, gập người, vặn người, kéo hoặc đẩy vật nặng sẽ thấy đau tại các vị trí gãy
- Khi nằm nghiêng người về phía xương gãy
- Khi ấn vào vị trí gãy, hoặc vùng xương gãy.
- Đau tăng vào ban đêm hoặc sáng sớm (đặc biệt là vài ngày đầu sau khi xảy ra chấn thương)
- Ngoài ra, vì đau nên người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, như hụt hơi thiếu oxy, do hạn chế hít thở, một số cảm giác khác như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi,…
Để chẩn đoán gãy xương sườn có các phương pháp:
- Chụp X quang: không phải lúc nào Xquang cũng có thể nhìn thấy dễ dàng hình ảnh gãy xương, tuy nhiên X quang có thể dễ dàng phát hiện sớm các tổn thương của phổi như viêm xẹp phổi, tràn khí, hay dịch màng phổi. X quang đôi khi khó phát hiện hình ảnh xương bị nứt, rạn hay không di lệch nhiều.
- Siêu âm thành ngực và màng phổi: siêu âm là phương tiện đắt giá trong cấp cứu chấn thương vì nhanh, tiện lợi, rẻ, có thể thực hiện tại giường và thực hiện lặp lại nhiều lần. Hình ảnh trên siêu âm đôi khi sẽ thấy được các vị trí gãy kín đáo của cung bên xương sườn mà X quang có thể bỏ lỡ, siêu âm còn có giá trị cao để phát hiện dịch/máu ở màng phổi, màng tim, dịch ổ bụng hay tràn khí màng phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính: chụp CLVT có thể giải quyết phần lớn nhược điểm của Xquang và siêu âm với những gãy xương kín đáo không nhìn thấy được trên Xquang. Ngoài ra chụp CLVT còn phát hiện những tổn thương nhỏ lớn của nhiều cơ quan khác kèm theo.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): chụp cộng hưởng từ thường ít sử dụng trong chấn thương, tuy nhiên gãy xương nghi ngờ bệnh lý sẽ được sử dụng nhiều do có thể tìm thấy những thương tổn rất nhỏ của xương, phát hiện di căn xương hoặc mô mềm mà CLVT có thể bỏ qua.
- Chụp xạ hình xương: kỹ thuật này đặc biệt có giá trị ở những trường hợp gãy xương do chấn thương lặp đi lặp lại như ho kéo dài, gãy xương do áp lực…
Phương pháp điều trị gãy xương sườn:
- Uống thuốc
- Tập vận động hô hấp
- Giảm đau bằng cách chườm túi đá lạnh lên vùng bị thương
- Nghỉ ngơi thường xuyên, tránh các hoạt động mạnh gây di lệch xương sườn
- Nằm nghiêng qua bên lành, tránh gây áp lực lên vùng bị chấn thương
- Thực hiện các bài tập để tăng cường tính linh hoạt và sức mạnh cơ thành ngực
- Cố gắng hít thở sâu hoặc ho nhẹ, để ngăn ngừa tình trạng xẹp phổi
- Tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, sữa chua… hạn chế thịt đỏ, thức uống có cồn, cafein và đường.
-------
*=*=*=*=*=*=*=*=*
----𝗣𝗛𝗢̀𝗡𝗚 𝗞𝗛𝗔́𝗠 Đ𝗔 𝗞𝗛𝗢𝗔 𝗛𝗢̂̀𝗡𝗚 𝗛𝗢𝗔̀𝗡𝗚----
Sức khỏe của mọi người - Hạnh phúc cho mọi nhà
Số 18, ngõ 22, đường Hoàng Ngọc Phách, Thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh
0837 38 26 28 - 0846 36 38 38
https://www.facebook.com/PhongkhamdakhoaHongHoang/
phongkhamdakhoahonghoang@gmail.com
Mùa đông buổi sáng: 7h - 11h30
Mùa đông buổi chiều: 13h30 - 17h
Khám BHYT từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần
Khám dịch vụ tất cả các ngày trong tuần