MẮC DỊ VẬT MŨI Ở TRẺ
Gần đây, tại Hồng Hoàng phát hiện nhiều trường hợp trẻ mắc dị vật đường tai – mũi – họng, và đặc biệt là dị vật đường mũi. Có một số trường hợp phụ huynh không chú ý khiến dị vật ở lâu trong mũi gây ra tình trạng viêm và có mùi hôi.
Hầu hết trường hợp dị vật trong mũi không quá nghiêm trọng và thường xảy ra ở trẻ đang tập đi hay ở độ tuổi từ 1–7 tuổi. Trẻ nhỏ bắt đầu có khả năng cầm, nắm và nhặt đồ vật từ 9 tháng tuổi nên tình trạng có dị vật trong mũi ít thấy ở trẻ nhỏ hơn độ tuổi này.
1. Mức độ nguy hiểm của mắc dị vật mũi
- Một vật thể lạ bị mắc kẹt trong mũi có khi không gây ra triệu chứng khác thường lúc đầu nhưng vẫn cần được phát hiện và lấy ra càng sớm càng tốt. Nếu không, dị vật có thể gây nhiễm trùng tại chỗ và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
- Hơn thế nữa, dị vật trong mũi có khi đi xuống miệng và trẻ sẽ nuốt vào dạ dày hoặc nguy hiểm hơn dị vật có thể rớt vào phổi và gây tắc nghẽn đường hô hấp.
2. Những dị vật thường gặp ở mũi
- Loại vô cơ: bằng nhựa hay kim loại (ít kích thích, lâu phát hiện): hột bẹt, miếng ni lông, mẩu đồ chơi nhỏ ….
- Loại hữu cơ: (thường kích thích, phát hiện sớm): đồ ăn, miếng xốp, mẩu gỗ, khăn giấy, các loại hạt, đất sét, đá cuội, thuốc viên...
- Đặc biệt pin nút áo: pin đồng hồ, pin máy trợ thính…
Trong đó, pin nút áo (thường có trong đồng hồ hay các đồ chơi điện tử nhỏ) là vật cần được để xa tầm tay trẻ em. Các viên pin này có thể gây ra thương tổn nghiêm trọng cho mũi khi nằm trong mũi ít nhất 4 giờ.
3. Những dấu hiệu và triệu chứng dị vật trong mũi:
Một số biểu hiện có thể khiến bạn nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi bao gồm:
- Bệnh sử: tự khai, người thân phát hiện …
- Chảy mũi một bên: Khi có dị vật mắc kẹt trong đường mũi sẽ kích thích niêm mạc mũi tiết chất nhầy, gây chảy nước mũi, giai đoạn đầu mũi trong, sau đó đục, có mùi hôi. Đôi khi, dị vật còn làm trầy xước niêm mạc trong mũi, dẫn đến chảy máu mũi.
- Nghẹt và đau mũi một bên. Sốt.
- Ngứa mũi, nhảy mũi.
- Ngủ ngáy, thở có tiếng rít ở mũi.
4. Nguyên nhân dị vật trong mũi
Phần lớn dị vật trong mũi trẻ em xuất hiện vì nhiều lý do, hầu hết đều là hành động chủ ý do sự tò mò của trẻ hoặc do bạn nhét vào mũi ở lứa tuổi mẫu giáo.
5. Chẩn đoán và điều trị:
- Không nên cố lấy dị vật trong mũi bé ra ngoài bằng tăm bông hay các dụng cụ không chuyên dụng khác, vì nó có thể làm rơi dị vật từ mũi xuống họng và vào đường thở rất nguy hiểm.
- Không nên bảo bé cố hít vào thật mạnh khi có dị vật bên trong mũi.
- Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bé có dị vật trong mũi chúng
- Bác sĩ sẽ lấy dị vật mũi bằng các dụng cụ chuyên dụng qua khám bằng đèn clar hoặc nội soi mũi với sự trợ giúp của các điều dưỡng. Nếu có chảy máu hoặc loét vách ngăn, cuốn mũi sau khi lấy dị vật (do dị vật ăn mòn như pin nút áo...) sẽ được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, cầm máu....
6. Biến chứng dị vật mũi bỏ quên lâu ngày:
- Viêm mũi xoang.
- Viêm tai giữa cấp.
Biến chứng do xử trí không đúng cách:
- Chuyển thành dị vật đường thở.
- Chuyển thành dị vật đường ăn.
7. Những biện pháp giúp phòng ngừa dị vật trong mũi:
- Hãy luôn quan sát trẻ trong lúc chúng vui chơi để kịp thời ngăn chặn các hành động đưa đồ vật lên miệng, mũi, tai. Hạn chế mua những đồ dùng hay đồ chơi có chi tiết quá nhỏ cho trẻ. Đồng thời, bạn không nên la mắng trẻ nếu bắt gặp chúng đưa vật lạ lên mặt.
- Với những trẻ lớn hơn, bạn có thể nhẹ nhàng giải thích về chức năng của đường hô hấp và những nguy hiểm có thể gặp phải nếu đưa vật lạ vào trong mũi.
- Ngoài ra, cũng không nên để trẻ vừa ăn vừa chơi hay cười nói trong khi ăn uống để tránh tình trạng sặc dẫn đến các mảnh đồ ăn di chuyển nhầm vào đường hô hấp. Giữ các đồ vật nhỏ, nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ em.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bổ sung kiến thức cho các phụ huynh về tình trạng mắc dị vật đường mũi để phụ huynh nắm bắt rõ các thông tin cần thiết và hướng xử lý kịp thời.
---------
*=*=*=*=*=*=*=*=*
----𝗣𝗛𝗢̀𝗡𝗚 𝗞𝗛𝗔́𝗠 Đ𝗔 𝗞𝗛𝗢𝗔 𝗛𝗢̂̀𝗡𝗚 𝗛𝗢𝗔̀𝗡𝗚----
Sức khỏe của mọi người - Hạnh phúc cho mọi nhà
Số 18, ngõ 22, đường Hoàng Ngọc Phách, Thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh
0837 38 26 28 - 0846 36 38 38
https://www.facebook.com/PhongkhamdakhoaHongHoang/
phongkhamdakhoahonghoang@gmail.com
Mùa đông buổi sáng: 7h - 11h30
Mùa đông buổi chiều: 13h30 - 17h
Khám BHYT từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần
Khám dịch vụ tất cả các ngày trong tuần