Huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch, gồm có hai trị số: huyết áp tâm thu (số đầu) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim co bóp và huyết áp tâm trương (số sau) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim thư giãn (ví dụ: huyết áp 120/70 mmHg). Hệ thống mạch máu trong cơ thể giống như các ống dẫn, đưa máu đến các cơ quan.
Hệ thống ống dẫn này nếu chịu một áp lực cao lâu ngày sẽ bị phình giãn (thành ống yếu đi, dễ bị rách hay vỡ), hoặc cứng lại mất tính đàn hồi mềm mại, hoặc lớp bên trong bị tổn thương và tích tụ các mảng xơ vữa gây hẹp và bít tắc dần. Tất cả các mạch máu lớn (động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch đùi…) và mạch máu nhỏ (mạch máu ở đáy mắt, cầu thận, não…) toàn thân đều bị ảnh hưởng bởi bệnh tăng huyết áp.
Bệnh tăng huyết áp thường có rất ít triệu chứng vào thời gian đầu, do đó nếu không kiểm tra huyết áp thường xuyên, rất khó để phát hiện ra bệnh. Tình trạng tăng huyết áp diễn biến âm thầm và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
1️⃣ Nhồi máu cơ tim và đột quỵ: Người bị tăng huyết áp có nguy cơ xơ vữa động mạch cao, thành mạch bị xơ cứng nên dễ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim;
2️⃣ Suy tim: Khi bị tăng huyết áp, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để “đối phó” với áp lực mạch máu. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được cải thiện thì cơ tim sẽ dần bị suy yếu và gây suy tim, vô cùng nguy hiểm
3️⃣ Suy thận: Do tăng huyết áp thường xuyên và kéo dài làm hẹp các mạch máu trong thận nên dễ bị suy thận.
4️⃣ Bệnh võng mạc: Tăng huyết áp cũng có thể gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ ở phần đáy mắt và gây ra bệnh võng mạc, ảnh hưởng lớn đến thị lực của người bệnh.
5️⃣ Biến chứng não: Động mạch bị thu hẹp do tăng huyết áp dễ dẫn đến mất trí nhớ, nhồi máu não và xuất huyết não.
Để phát hiện sớm chứng tăng huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp dễ bỏ thuốc hoặc không tái khám vì không có triệu chứng. Người bệnh thường bỏ qua, không điều trị cho đến khi có biến chứng, di chứng hoặc tử vong.
Các nghiên cứu cho thấy khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mãn.
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp, người bệnh cần:
- Người ≥ 50 tuổi nên đo tầm soát huyết áp mỗi 6 tháng – 1 năm/lần;
- Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần uống thuốc đều đặn, theo dõi mức huyết áp khi điều trị. Mức huyết áp mục tiêu thông thường là ≤ 130/80 mmHg, trừ một số trường hợp đặt biệt có mức mục tiêu khác sẽ được bác sĩ thông báo;
- Định kỳ (ít nhất mỗi năm 1 lần) làm các kiểm tra cận lâm sàng: tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, cholesterol máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh và đo ABI;
- Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng góp phần phòng ngừa các biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
Tăng huyết áp nếu được kiểm soát tốt sẽ không gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Quan trọng nhất là bệnh nhân không được bỏ thuốc và tái khám theo lịch, ngay cả khi không xuất hiện triệu chứng nào. Việc tuân thủ phác đồ điều trị là yếu tố tiên quyết giúp ngăn ngừa biến chứng của tăng huyết áp.
*=*=*=*=*=*=*=*=*
----𝗣𝗛𝗢̀𝗡𝗚 𝗞𝗛𝗔́𝗠 Đ𝗔 𝗞𝗛𝗢𝗔 𝗛𝗢̂̀𝗡𝗚 𝗛𝗢𝗔̀𝗡𝗚----
Sức khỏe của mọi người - Hạnh phúc cho mọi nhà
🏥 Số 18, đường Hoàng Ngọc Phách, Thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh
📞 0837 38 26 28 - 0846 36 38 38
🌏 https://www.facebook.com/PhongkhamdakhoaHongHoang/
🌐 phongkhamdakhoahonghoang.com
📧 phongkhamdakhoahonghoang@gmail.com
🌺 Khám BHYT từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần
🍀 Khám dịch vụ tất cả các ngày trong tuần